Túc tắc bằng nhiều phương tiện, họ cũng đã đến thành Bình Định. Trong thời gian lưu lại để thăm thú đây đó, nhất là tìm thêm người cùng chí hướng thì gặp lúc trường Bình Định có kỳ khảo hạch. Cả ba người bàn nhau phải tìm cách phá chơi. Mới đầu là ý tinh nghịch của tuổi trẻ, nhưng khi cả ba người đều đồng ý thì Phan Châu Trinh nói:
- Tại sao chúng ta không nhân cơ hội này mà lên án lối học khoa cử lỗi thời để tiếp tục đẩy nhân dân ta vào chỗ lầm than, kể cả lên án việc bần cùng hóa dân ta của Nam triều và ngoại bang ? Theo tôi, anh em mình phải nên "phá" theo cách ấy thì có ý nghĩa hơn.
Cả Huỳnh Thúc Kháng lẫn Trần Qúy Cáp đều gật gù ra chiều đồng ý. Một lát sau, Huỳnh Thúc Kháng hỏi:
- Cụ xướng được thì họa được, dĩ nhiên chúng tôi cùng họa. Nhưng chúng ta lấy đề tài gì ?
Phan Châu Trinh đáp:
- Nội dung chính như các cụ đã đồng ý, còn phần tôi, tôi sẽ làm bài thất ngôn bát cú với tựa là… Chí thánh thông thánh (1).
Nói xong, Phan Châu Trinh khẽ ngâm:
Thế cục hồi đầu dĩ nhất không,
Giang sơn vô lệ khấp anh hùng.
Vạn dân nô lệ cường quyền hạ,
Bát cổ văn chương túy mộng trung.
Trường thử bách niên cam thóa mạ,
Bách tri hà nhật xuất lao lung !
Chư quân vị tất vô tâm huyết,
Bằng hướng tư văn khán nhất thông.(2)
Cả hai người nhìn Phan Châu Trinh ra chiều thán phục rồi cùng lên tiếng khen:
- Hay ! Xứng danh phó bảng !
Huỳnh Thúc Kháng nói:
- Nếu chúng ta cùng làm thơ hết thì chẳng lấy chi gọi là náo động. Vả lại, chuyến Nam du này chúng ta đi ba người, ai ai cũng biết. Nếu trong kỳ khảo hạch này mà có cùng lúc ba bài thơ như vậy thì chẳng khác nào lạy ông tôi ở bụi này. Tôi nghĩ, để tôi và anh nghè Thai Xuyên cùng hợp tác làm bài phú sẽ hay hơn. Phan Châu Trinh đồng tình với ý kiến ấy. Bởi quan đốc học dốt tới đâu cũng không thể cho rằng ba bài thơ của họ làm là những bài thơ của những học sanh trường tỉnh. Ông yên lặng ngồi hút thuốc chờ cho hai bạn bàn bạc nhau từng ý từng lời. Và chẳng bao lâu, bài "Lương ngọc danh sơn phú” được hình thành, Phan Châu Trinh lấy làm thích thú ngâm ngợi:
Hỡi hỡi những đồng bào Nam Việt !
Cùng giống nòi phải biết thương nhau.
Giang sơn này bốn ngàn thâu,
Mà nền văn hóa bấy lâu thế nào ?
Lo cuộc đời trải bao biến cuộc,
Bao anh hùng chịu nhọc sao phen ?(…)
Hỡi người trí thức kia ơi !
Tr6en thời quan lại dưới thời thư sinh.
Nên vì nghĩa vì danh một chút,
Quẳng mũ đi vứt bút đứng lên.
Đừng cam chịu tiếng ươn hèn,
Hơi tàn còn thở chớ quên phục thù…(3)
Với tài ấy thì đỗ tiến sĩ chẳng lấy gì làm xấu hổ.- Phan Châu Trinh thầm nghĩ.
Cả ba người vui vẻ đi chơi tiếp coi như mọi chuyện trên đời chẳng có gì hơn việc du sơn ngoạn thủy. Sau khi dùng bữa xong, Trần Qúy Cáp nói:
- Khi cải trang vào khảo hạch, ắt chúng ta phải mạo danh, mà nên mạo như thế nào, các anh đã nghĩ tới chưa ?
Hai người lúc đó mới ớ ra. Huỳnh Thúc Kháng nói:
- Phải ! Cụ Thai Xuyên tính không sai.
Phan Châu Trinh vẫn giọng hồn nhiên như chẳng có gì:
- Ra đầu bài được thì ắt phải có lời giải rồi, lo chi.
Trần Quý Cáp nói:
- Tôi nghĩ, chúng ta chỉ nên dùng một tên, như vậy mới tỏ rõ ý nguyện của chúng ta.
Cả Phan Châu Trinh lẫn Huỳnh Thúc Kháng như cùng lên tiếng một lần:
- Đúng !
Trần Qúy Cáp nói:
- Theo tôi, ở đây họ Đào là một dòng họ lớn nên ta lấy họ Đào. Mục đích của chúng ta lần này là làm cho mọi người thấy được giấc mộng ngu muội của mình. Do vậy, theo tôi, chúng ta cùng lấy tên là Đào Mộng Giác.
Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng thừa nhận cái tên ấy rất có ý nghĩa.
Nộp quyển xong, cả ba người liền tiếp tục Nam tiến, không chờ ở lại nghe ngóng kết quả ra sao. Nhưng chỉ mấy hôm sau, chính tai họ đã nghe nói tới cái tên Đào Mộng Giác cùng những lời bình… phi sách vở, nhưng cũng đã có không ít người tin chắc một việc gì đó sẽ xảy ra. Cả ba chỉ mỉm cười và tin rằng trong chuyến Nam du này của họ sẽ là những việc có ích cho việc cổ động tân học cùng chủ trương duy tân. Và trong thâm tâm của mỗi người đã mơ hồ thấy rằng, đây là lần đầu tiên trong lịch sử khoa bảng nước nhà, những người xuất thân từ cửa Khổng sân Trình công khai chống lại cái học đã giúp họ nên danh.
*
* * Đúng là đất nước ông bà đâu đâu cũng đẹp. Tới Cam Ranh đầy nắng và gió, Phan Châu Trinh nằm ngửa trên bờ cát mịn, thả lỏng người giữa biển trời mênh mông, mặc cho hai người bạn đi đâu thì đi, làm gì thì làm. Ông nằm đó với bao nhiêu câu hỏi, bao nhiêu suy nghĩ quẩn quanh trong đầu rồi thở dài ngao ngán. Ông không thể hòa vào dòng hiền tài suốt ngày ngâm thơ vịnh nguyệt, tìm điển nào cho đắc, kiếm chữ nào cho hay, chứ không chịu nghĩ ra được kế sách gì giúp cho dân giàu nước mạnh.
Phan Châu Trinh còn đang mơ màng với những chuyện đâu đâu ấy, thì bị đánh thức. Trước mắt ông, ngoài hai người bạn thiết còn có chàng trai khác mặt mũi coi cũng sáng sủa. Ông vùng dậy chào hỏi và được giới thiệu người trai trẻ ấy là Nguyễn Qúi Anh, con trai cụ Nguyễn Thông, học trò Trần Qúy Cáp.
Sau khi cơm nước, cả ba người theo chân Nguyễn Qúi Anh tiếp tục đi về phương Nam. Đến Phan Thiết, cả ba người được Nguyễn Qúi Anh mời về nhà và giữ lại đó. Trần Qúy Cáp và Huỳnh Thúc Kháng cho ông biết, theo Nguyễn Qúi Anh thì những người đồng tâm đồng khí ở đây khá đông. Nguyễn Qúi Anh sẽ lo liệu cho mọi người gặp mặt. Phan Châu Trinh lấy làm vui lắm. Ông vẫn tin, địa linh sinh nhân kiệt. Đất đai miền Nam trù phú, nên tâm tính con người cũng khoáng đạt hơn. Vả lại, đạo học Tống Nho ảnh hưởng ở vùng đất phương Nam của Tổ quốc không đậm nét như những vùng ngoài. Tân thư cũng về từ các cảng biển phương Nam này không ít. Đây chính là tiền đề tốt để cổ xúy tư tưởng dân quyền, chống lại lối học nhồi sọ xa rời cuộc sống.
Ba người ngồi trước ba chung trà, nhưng mỗi người đều theo đuổi ý nghĩ riêng của mình, không ai nói với ai lời nào.
Chiều dần xuống, gió biển vẫn hào phóng len lỏi khắp nơi. Cả ba anh em nhìn nhau rồi bàn chuyện đi dạo. Người giúp việc xuất hiện ở cửa ngạch, lớn tiếng thưa:
- Kính mời qúy thầy ra tắm rửa cho mát.
Nghe nói tắm, cả ba mới thấy da thịt rít rít khó chịu, bèn vội vàng theo chân người giúp việc đi tắm.
Khi trở vào nhà, cả ba anh em thấy ngoài Nguyễn Qúi Anh còn có nhiều chàng trai khác cùng đẳng tuổi với họ. Họ chưa kịp chào thì những chàng trai trẻ ấy đồng loạt đứng dậy, cung tay chào:
- Kính lạy qúy thầy ạ.
Cả ba người đều chào đáp lễ. Phan Châu Trinh nói:
- Chúng tôi rất hiểu tấm lòng của anh em. Tình sư đồ lúc nào cũng phải giữ lễ là tốt, nhưng chúng tôi đang đi tìm bạn và mong được làm bạn với các bạn.
Nguyễn Qúi Anh thưa:
- Thầy nói vậy, chúng con ghi tâm, song qúy thầy cũng cho phép chúng con được giữ lễ thầy trò. Nói thật, nghe các thầy đến, anh em mừng lắm.
Nói rồi, Nguyễn Qúi Anh giới thiệu từng người một với nhau. Phan Châu Trinh cầm chặt tay từng người như muốn nói rất tin tưởng ở họ. Bào huynh của Nguyễn Qúi Anh là Nguyễn Trọng Lội rất hào hứng và nhiệt tình khi được đón tiếp ba chàng trai đất Quảng. Trương Gia Mô, Hồ Tá Bang cũng vui mừng không kém. Sau khi qua lại chuyện thi phú, Phan Châu Trinh mở đầu chuyện “tân thư”.
Qua một hồi trò chuyện, không chỉ mỗi mình Phan Châu Trinh mà còn cả Huỳnh Thúc Kháng lẫn Trần Qúy Cáp đều ngỡ ngàng, không ngờ các thân sĩ Bình Thuận đọc nhiều tân thư và cũng có nhiều suy nghĩ tâm huyết đến như vậy.
Nguyễn Trọng Lội nói:
- Thưa qúy thầy. Qúy thầy là những tiến sĩ, phó bảng đã nghĩ và muốn như vậy quả là hồng phúc cho tổ tiên, đất nước. Nói về yêu nước quả thật dân Nam ta rất yêu nước, nhưng cách nghĩ của qúy thầy mới chính là kế sách lâu dài, không chỉ giữ nước mà còn phát triển đất nước. Nhưng chúng ta không xuống địa ngục thì ai xuống địa ngục đây. Do vậy, để chứng minh tư tưởng duy tân của chúng ta là đúng, trước mắt, trong khả năng hiện có, chúng con ở đây sẽ mở hội buôn và mở trường dạy học. Nếu ngày xưa, Khổng tử dạy: "Tự hành thúc tu dĩ thượng, ngô vị thường vô hối yên"(4), thì ngày nay, chúng ta phải mới hơn, nghĩa là không cần lễ vật gì, hễ ai muốn học, ta cho học, thậm chỉ rủ rê họ tới học.